Từ xa xưa, con ong và con người đã là những người bạn thân thiết của nhau. Con ong mật có mặt ở khắp mọi nơi trên trái đất, những nơi có thảm thực vật phong phú và đa dạng, trăm hoa đua nở. Có thể nói nơi nào có mật của con ong thì ở đó biểu hiện của sự trù phú, làm ăn phát đạt.
- Video kỹ thuật nuôi ong lấy mật dành cho người nông dân
- Hướng dẫn cách dùng mật ong đúng cách, hiệu quả phát huy tác dụng
- Những cách phân biệt mật ong thật hay giả đơn giản và chính xác nhất
Con ong mật mang đến cho người những gì?
Nếu không có những con ong nhỏ bé, cần cù làm việc từ sáng sớm tinh mơ đến tối, thì làm sao chúng ta có thể được thưởng thức hương vị của những giọt mật thơm tho, ngọt ngào: Ong mật cho chúng ta nhiều sản phẩm quý như mật ong; phấn hoa, sữa chúa, sáp ong, keo ong,… Đây là những sản phẩm sinh học độc đáo, có giá trị dinh dưỡng rất cao dùng để bồi dưỡng sức khoẻ cho con người, đặc biệt tốt cho các cụ già và các cháu nhỏ.
Bên cạnh để dùng làm thực phẩm dinh dưỡng thì các sản phẩm trên còn có mặt trong các bài thuốc y học cổ truyền có giá trị chữa bệnh cao, là các nguyên liệu để chế biến các mỹ phẩm cao cấp và nhiều sản phẩm của các ngành công nghiệp khác.
Thực tế từ một đàn ong nội địa (Apis cerana) trong một năm, tuỳ theo cách nuôi, có thể cho từ 2 đến 40 kg mật ong, 0,2 – 0,3 kg sữa chúa và các sản phẩm khác. Hiện nay trên thế giới đang có xu hướng sử dụng các thực phẩm tự nhiên thay thế cho các sản phẩm công nghiệp, chính vì vậy nhu cầu của con người về các sản phẩm ong cũng được tăng lên đáng kể.
Ngoài việc cung cấp các sản phẩm quý kể trên thì con ong còn có vai trò hết sức quan trọng là góp phần làm tăng năng suất cho nhiều loại cây trồng. Do trong quá trình đi thu lượm mật – phấn, con ong đã trực tiếp thụ phấn cho hoa. Theo sự tính toán của các nhà khoa học Ý, New Zealand và Mỹ thì năng suất và phẩm chất của cây trồng tại các vùng nuôi ong mật tăng 10 – 15 lần so với các vùng không nuôi ong mật.
Những lợi ích của nghề nuôi ong lấy mật
Nghề nuôi ong đòi hỏi kỹ thuật chứ không đòi hỏi về sức lực, lao động nuôi ong nhẹ nhàng phù hợp cho nhiều lứa tuổi và giới. Do vậy phụ nữ, người già, trẻ em, người tàn tật đều có thể tham gia nuôi ong được. Như vậy nghề nuôi ong cũng góp phần giải quyết thêm được nhiều việc làm cho người già, trẻ em, người nghỉ hưu, mất sức hoặc sinh viên mới ra trường chưa có việc làm.
Nuôi ong không đòi hỏi phải có điện tích đất đai riêng, nó không bóc lột tài nguyên thiên nhiên, không đòi hỏi nhiều diện tích đất như các ngành nghề khác mà người nuôi ong có thể tận dụng được các diện tích nhỏ như góc hè, mái hiên, ban công nhà hoặc để ngay dưới gốc cây ăn quả trong vườn nhà… để đặt các đồ, thùng ong.
Vốn đầu tư ban đầu cho nuôi ong không lớn, chủ yếu là mua giống và một số thức ăn. Còn những vật liệu khác, rẻ tiền như thùng nuôi ong, dụng cụ thu mật, khung cầu… thì có thể tận dụng gỗ, tre khai thác tại chỗ, chi phí thấp, thu hồi vốn nhanh.
Nuôi ong kích thích trồng cây gây rừng nên còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường và ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc miền núi.
Trên đất nước chúng ta, hầu như nơi nào cũng nuôi được ong. Vùng trung du và miền núi là quê hương của loài ong nội địa (Apis cerana), đây là những vùng có nguồn hoa tự nhiên phong phú và đa dạng. Hiện nay đang có những chương trình – dự án phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung, các chương trình trồng rừng… Đây là cơ sở thuận lợi để chúng ta phát triển con ong nội.
Trong các giống ong được nuôi trong các gia đình thì giống ong nội địa thể hiện nhiều ưu thế vì chúng có diện phân bố rộng rãi, khả năng tìm kiếm thức ăn tốt, thích nghi với nguồn hoa phân bố rải rác không tập trung, thích nghi tốt với điều kiện ngoại cảnh ở mọi vùng. Do vậy ong nội rất thích hợp với kiểu nuôi gia đình cố định hoặc di chuyển ít, vốn đầu tư ban đầu không đáng kể, thu hồi vốn nhanh.
Nhiều gia đình nhờ có các sản phẩm của ong mà cuộc sống được đảm bảo, có tích luỹ để làm nhà và sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
Hiện nay các thành tựu khoa học kỹ thuật nuôi ong trong và ngoài nước đã được tích luỹ và phát triển mạnh, người dân có thể vận dụng để phát triển nghề nuôi ong đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.