Để bà con nông dân có thêm kiến thức về các loài ong lấy mật được phát triển ở Việt Nam, wikilamdep.net đã tổng hợp lại danh sách các loài ong nuôi lấy mật sau, mong được chia sẻ với mọi người:
- Nguồn gốc của ong, quá trình phát triển và vị trí phân loài
- Con ong và lợi ích của nghề nuôi ong lấy mật tại Việt Nam
- Video kỹ thuật nuôi ong lấy mật dành cho người nông dân
1. Apis Florea – Ong ruồi (Ong hoa)
Đây là loài ong có kích thước nhỏ nhất trong các giống Apis, phân bố chủ yếu ở các vùng có khí hậu ấm áp ở châu Á. Ở nước ta ong Apis Florea có hai phân loài đó là ong ruồi bụng đỏ và ong ruồi bụng đen.

Ong ruồi bụng đỏ (Apis Florea)
Ong ruồi bụng đỏ (Apis Florea) có đặc tính xây một bánh tổ trên cành cây nhỏ lộ ra ngoài không khí, phía trên phần chứa mật phình ra bám vào cành cây, còn phần dưới là lỗ ấu trùng rủ xuống. Bánh tổ được quấn phủ bằng 3-4 lớp ong thợ. Vào mùa chia đàn sẽ có lô tổ ong đực và vài mũ chúa ở phía dưới. Ong ruồi bụng đỏ có thể chia thành vài đàn bay ra từ một đàn đông quân. Ong ruồi bụng đỏ rất dễ bốc bay khi gặp thời tiết không thuận lợi, thức ăn thiếu và kẻ thù tấn công mạnh.
Lượng mật dự trữ của loài ong này ít hơn các loài ong khác, khoảng từ 0,7 – l,2kg mật nên ít có giá trị kinh tế.
Trên thực tế, ở một số vùng người ta khai thác mật ong Apis Florea bằng cách cắt riêng phần mật để lấy, còn phần nhộng và ấu trùng buộc trả lại đàn ong. Do vậy có thể thu hoạch mật 2 – 3 lần từ 1 tổ.
Ong Apis florea có nhiều ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La… và các tỉnh miền Nam như Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang…

Ong ruồi bụng đen (Apis Andreniformis)
Ong ruồi bụng đen (Apis Andreniformis): Ong này có đặc điểm hình thái, tập tính sinh học và phân bố tương tự ong ruồi bụng đỏ, nhưng chúng có kích thước cơ thể nhỏ hơn một chút, phần lưng bụng có màu đen, còn ong Apis Florea có màu hung đỏ, ong ruồi bụng đen có đặc tính dữ hơn so với ong ruồi bụng đỏ.
Nhìn chung ong hoa có kích thước cơ thể nhỏ, ong chúa dài khoảng 13mm, ong thợ 7-8 mm, ong đực 13mm, vòi hút của ong thợ dài 3,44mm. Lượng mật dự trữ của ong ruồi bụng đen không đáng kể, nên giá trị kinh tế của ong này là rất thấp, ít được người nuôi quan tâm.
2. Ong Khoái hay ong gác kèo (Apis Dorsata)
Apis Dorsata còn có tên gọi là ong mật khổng lồ Đông Nam Á vì chúng có kích thước lớn nhất trong các giống ong mật, ong thợ dài 18mm, ong đực 16mm, ong chúa chỉ dài hơn ong thợ một chút, bụng ong thợ có màu nâu vàng và chiều dài vòi hút là 6,68mm.
Ong Khoái có đặc tính xây 1 bánh tổ ở ngoài không khí trên cành cây hoặc dưới các vách đá. Kích thước bánh tổ khá lớn, dài khoảng 0,5 – 2m, rộng 0,5 – 0,7m. Phía trên bánh tổ là nơi dự trữ mật, tiếp theo là nơi chứa phấn và ấu trùng và nhộng. Lỗ ong đực không nằm ở vùng giống như ong Apis Cerana mà nằm rải rác xen lẫn lỗ ong thợ. Bên ngoài bánh tổ có các lớp ong thợ bám vào, chúng có thể tự điều hoà nhiệt độ dao động 27 – 37*C. Ong Apis Dorsata thu hoạch mật rất chăm chỉ, dự trù mật bình quân là 5kg/đàn.

Ong mật khổng lồ Đông Nam Á – Apis Dorasata
Mùa chia đàn của chúng trùng với mùa chia đàn của ong nội Apis Cerana, trước mùa chia đàn chúng xây 300 – 400 lỗ ong đực và 5 – 10 mũ chúa ở dưới bánh tồ. Thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành của ong thợ là 16 – 20 ngày, ong chúa 13 – 13,5 ngày, ong đực 20 – 23,5 ngày. Vào mùa chia đàn thì từ một đàn có thểchúng tự chia ra vài đàn bay đi.
Ong Apis Dorsata nổi tiếng là hung dữ và chúng có bản năng bảo vệ tổ rất tốt, có tới 80 – 90% ong thợ đậu ở ngoài bảo vệ, khi bị kẻ thù ấn công chúng bay ra hàng trăm con cùng một lúc để lao vào kẻ thù và đuổi kẻ thù xa vài trăm mét.
Ở nước ta, ong Khoái phân bố ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và đặc biệt chúng có nhiều ở các tỉnh phía Nam, nơi có rừng Tràm ngập nước. Việc khai thác mật ong Khoái là rất khó vì chúng quá hung dữ, người ta dùng khói, lửa để đuổi ong hoặc tiêu diệt cả đàn ong để lấy mật. Người dân ở các tỉnh nói trên có một hình thức khai thác ong Apis Dorsata rất độc đáo, có một không hai trên thế giới. Đó là gác kèo cho ong về làm tổ để khai thác mật, bình quân mỗi người gác từ 50 – 60 kèo, thu được 250kg mật/năm.
Bên cạnh ong Khoái; thì ở tỉnh Hoà Bình, Sơn La của Việt Nam người ta thấy một loại ong có cấu tạo và tập tính giống ong Khoái đó là ong Đá (Apis Laboriosa) chúng thường xây tổ trên các vách đá, kích thước cơ thể to hơn ong Khoái, phần lưng bụng ong thợ có màu đen và sọc trắng.
3. Ong nội địa hay ong Châu Á (Apis Cerana)
Đây là các loài ong đã được nuôi hàng nghìn năm ở các nước châu Á. Trong tự nhiên chúng phân bố rất rộng rãi, chính vì phạm vi phân bố rộng như vậy nên ong Apis Cerana khác nhau nhiều về kích thước cơ thể, lỗ tổ, lượng mật dự trữ và một số đặc tính khác.

Ong châu Á – Apis Cerana
Ong Apis Cerana có đặc tính xây một vài bánh tổ song song với nhau và vuông góc với mặt đất, chúng xây tổ ở những nơi kín đáo như trong hốc cây, hốc đá… Do đặc điểm này mà người dân châu Á nuôi ong trong các hốc tường, đõ, hộp
vuông rỗng.
Ở Việt Nam, ong Apis Cerana cũng đã được người dân nuôi từ hàng nghìn năm nay, chủ yếu là nuôi trong các đõ ong. Đến nay ở nước ta cũng như một số nước trên thế giới đã chuyển loài ong này sang nuôi trong thùng có cầu di động, do đó mà năng suất mật tăng lên đáng kể. Hiện nay Việt Nam có khoảng 180.000 đàn ong nội trong đó có hơn 50% tổng số đàn được nuôi trong các thùng hiện đại. Năng suất mật đạt trung bình khoảng từ 10 – 15 kg/ đàn/ năm.
XEM TIẾP PHẦN 2: TẠI ĐÂY
Để xem các kỹ thuật nuôi ong được chia sẻ tại wikilamdep.net, bà con nông dân có thể click vào link sau: https://wikilamdep.net/tag/ky-thuat-nuoi-ong